Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Ninh Bình là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với ba loại hình du lịch chủ đạo: du lịch tâm linh, sinh thái và di tích lịch sử. Ninh Bình cũng là nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn tầm quốc gia, quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để phục hồi và đẩy mạnh các hoạt động du lịch nội địa, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất kế hoạch chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát. Do đó, Năm Du lịch Quốc gia 2021 là cơ hội quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch đặc sắc vốn có của Ninh Bình và phát triển thêm các sản phẩm mới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với 1.821 di tích (trong đó có 81 di tích cấp quốc gia, một Di sản Văn hóa thiên nhiên thế giới và 260 lễ hội truyền thống). Ninh Bình được nhiều tạp chí danh tiếng bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam. Giai đoạn 2010-2019, số lượt khách đến Ninh Bình tăng trưởng bình quân trên 10% mỗi năm. Tính riêng năm 2019, Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 3.600 tỷ đồng.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ninh Bình đón trên 2,6 triệu lượt khách, tổng thu đạt trên 1.583 tỷ đồng (đạt 34,3% về lượt khách và 43,1% về tổng thu so với kế hoạch năm 2019, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 21,4%).
Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu năm 2021 đón 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó 0,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 3.500 tỷ đồng. Năm 2025, đón 8-9 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5-7,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 8.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ninh Bình luôn quan tâm tới lĩnh văn hóa với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
Về kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021, tỉnh thống nhất tổ chức Lễ khai mạc gắn với Lễ hội Hoa Lư vào ngày 20-4-2021 và bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Du lịch phối hợp Tổng cục Du lịch theo dõi diễn biến của dịch để tham mưu, triển khai các sự kiện, hoạt động phù hợp; tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Ngành Du lịch chuẩn bị điều kiện phục vụ khách du lịch và đại biểu về dự các sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2021, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá về sự kiện...
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng Ninh Bình có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ khách quốc tế như tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; nguồn nhân lực du lịch còn chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ...
Tổng cục Du lịch luôn ủng hộ và đồng hành, hỗ trợ tỉnh xây dựng, triển khai các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình và trước mắt là hướng đến tổ chức thành công sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2021.
Dự kiến, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp du lịch lớn đến khảo sát và mở tour tuyến tại Ninh Bình trước thời điểm diễn ra Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia.
Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ làm việc với Sở Du lịch Ninh Bình để hướng đến ký kết hợp tác, triển khai số hoá các điểm đến tại Ninh Bình.